Bệnh tiểu đường gây đột quỵ thế nào

13/09/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Nội Tiết Các Bệnh Đái Tháo Đường Sức Khỏe
Bệnh tiểu đường gây đột quỵ thế nào

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,5-2 lần so với người bình thường, thường nặng và dễ tái phát hơn. Khả năng đột quỵ tăng dần theo thời gian mắc bệnh tiểu đường. Nguy cơ đột quỵ ở người bị tiểu đường cũng có liên quan đến giới tính, thường gặp ở nữ giới hơn nam giới.

Bác sĩ Linh chỉ ra một số yếu tố khiến người tiểu đường dễ đột quỵ như sau:

Xơ vữa động mạch cảnh, động mạch sống nền và hệ động mạch nội sọ là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ dẫn đến tắc mạch. Người bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều có yếu tố nguy cơ làm tăng tốc độ phát triển xơ vữa động mạch. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết, đề kháng insulin, thay đổi sự hình thành lipoprotein nồng độ thấp (LDL), gây xơ vữa, kích hoạt quá trình viêm lên thành mạch.

Rối loạn chức năng vi mạch não khiến một người dễ bị nhồi máu não và xuất huyết não. Tăng đường huyết, béo phì, đề kháng insulin và tăng huyết áp được cho là những nguyên nhân chính gây ra rối loạn chức năng vi mạch não ở người tiểu đường.

Rung tâm nhĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ do tim mạch. Người bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ rung nhĩ cao hơn so với người không mắc bệnh tiểu đường. Bởi sự gia tăng các phản ứng oxy hóa và nồng độ các sản phẩm glycation trong bệnh tiểu đường kích hoạt quá trình tái cấu trúc, tự động trong tâm nhĩ.

Bác sĩ Hồng Linh hỏi thăm sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Béo phì là tình trạng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Béo phì tác động lên quá trình trao đổi chất (phá vỡ sự cân bằng co mạch và giãn mạch, ức chế tăng trưởng, yếu tố gây xơ vữa động mạch, chống xơ vữa động mạch...) góp phần làm rối loạn chức năng nội mô. Cao huyết áp ở người bệnh tiểu đường kèm theo các tình trạng như bệnh vi mạch, rối loạn chuyển hóa, xơ hóa mạch máu, rối loạn chức năng thần kinh tự chủ... góp phần dẫn đến suy tim sung huyết, tăng nguy cơ đột quỵ.

Người bệnh tiểu đường có các tình trạng đi kèm như tăng huyết áp, mỡ máu cao, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, bệnh tim mạch... có nguy cơ cao đột quỵ. Các dấu hiệu cảnh báo gồm yếu hoặc tê ở một bên cơ thể, khó nói chuyện, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc đi lại khó khăn, khó nhìn hoặc nhìn đôi, đau đầu dữ dội. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Điều trị đột quỵ càng sớm có thể giúp ngăn ngừa tổn thương não vĩnh viễn.

Để giảm nguy cơ đột quỵ, người bệnh tiểu đường cần duy trì đường huyết ổn định, huyết áp và mỡ máu ở mức an toàn, ăn uống lành mạnh theo chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ hướng dẫn. Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút một ngày, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, góp phần phòng ngừa bệnh này.

Đinh Tiên

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật