Theo Forbes, số ít trẻ có thể cảm thấy tiêm chủng rất khó chịu và ám ảnh suốt đời. Tại Mỹ, khoảng 3-10% người lớn sợ kim tiêm, mức độ dao động từ "lo lắng nhẹ" đến các cơn hoảng loạn nghiêm trọng, trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Chứng sợ kim tiêm ảnh hưởng tiêu cực tới buổi tiêm vaccine, làm tăng phản ứng đau về mặt sinh học, bao gồm: tăng cảm giác đau ngay trong khi tiêm, kích hoạt trí nhớ dài hạn về phản ứng sợ hãi bổ sung. Chu kỳ này có thể lặp đi lặp lại theo thời gian, có khả năng làm cho nỗi sợ hãi và lo lắng trở nên tồi tệ hơn khi người đó lớn lên.
Do đó, việc giải quyết chứng sợ kim tiêm, căng thẳng khi tiêm chủng từ khi còn nhỏ, sẽ giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe, như: tăng khả năng chấp thuận vaccine, cởi mở hơn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Forbes gợi ý các phương pháp dưới đây để gia đình giúp trẻ thuận lợi vượt qua buổi tiêm chủng:
Trước buổi tiêm
Tránh hứa hẹn sẽ không tiêm: Lời hứa không tiêm chủng khiến trẻ cảm thấy an tâm, song làm giảm niềm tin của trẻ đối với cha mẹ. Bên cạnh đó, lịch chủng ngừa có thể thay đổi, khiến trẻ cần tiêm chủng thêm. Nếu bé sợ hãi, nghi ngờ gia đình, có thể bỏ lỡ cơ hội được phòng bệnh, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh và tăng chi phí y tế.
Trò chuyện với trẻ: Một số em bé chịu đựng quá trình tiêm chủng tốt hơn khi được thông báo trước. Cha mẹ nên nói ngắn gọn với con về buổi chủng ngừa sau khi đã đến phòng khám, nhằm giảm thời gian trẻ cảm thấy lo lắng. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần cảnh báo trẻ về cảm giác nhói hoặc đau khi tiêm, đồng thời chia sẻ thêm về ích lợi của vaccine đối với trẻ.
Minh họa trẻ tiêm vaccine. Ảnh: Vecteezy
Tại phòng tiêm
Không đe dọa trẻ: Hành động đe dọa trẻ khiến bé coi mũi tiêm như một hình phạt. Đây là cách hiểu sai, khiến trẻ đề phòng và ngần ngại tiêm chủng nhiều hơn.
Dùng thiết bị điện tử: Gia đình có thể sử dụng thiết bị điện tử để trẻ phân tâm trong quá trình tiêm và sau tiêm, ví dụ điện thoại, iPad hoặc thiết bị chơi game. Bố mẹ cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn, xếp mũi tiêm gây cảm giác đau nhiều nhất tiêm cuối cùng, giúp trẻ vượt qua buổi tiêm thuận lợi.
Tại nhà
Theo dõi sát: Gia đình cần theo dõi sát trẻ trong vòng 30 phút tại điểm tiêm chủng. Tại nhà, trẻ cần được theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, sự tỉnh táo, hành vi ăn, ngủ, da toàn thân và vùng tiêm trong 24-48 giờ. Nếu có biểu hiện bất thường như co giật, tím tái, nổi mề đay toàn thân, tay chân lạnh, nổi vân tím... gia đình liên hệ cơ sở y tế ngay để xử trí kịp thời.
Giảm cảm giác đau: Một số cách phổ biến để giảm đau bao gồm chườm đá, sử dụng thuốc giảm sốt nếu trẻ sốt cao sau tiêm chủng. Đối với các sản phẩm gây tê và mẹo chăm sóc sau tiêm chủng, người lớn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Một số lưu ý khác: Trẻ cần tránh chạm, đè vào vị trí tiêm. Gia đình không xoa dầu, chườm nóng hoặc bôi đắp lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng. Nếu vết tiêm sưng, quầng đỏ tiếp tục tăng lên, cứng, nóng, trẻ cần khám lại ngay.
Gia đình nên cho con mặc quần áo thoáng mát, đảm bảo dinh dưỡng. Người lớn thay phiên theo dõi, bên cạnh trẻ 24/24, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là về đêm.
Chi Le - Tuyết Nhi
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ tư vấn.