Một người bạn của tôi khi mở quán ăn từng tiết lộ: "Trà đá mỗi ly 2 nghìn nhưng siêu lợi nhuận, lời tiền hơn cả món ăn".
Đó là tỷ suất lợi nhuận giữa nấu nướng, nêm nếm cho ra một dĩa cơm, tô hủ tiếu có giá vài chục nghìn đồng không bằng một ly trà đá 2-5 nghìn đồng. Bởi lẽ, một ly trà đá, chỉ tốn một ít nước cốt trà (chẳng biết là trà loại nào, chất lượng ra sao, hay chỉ pha vào nước lã cho có màu?!), một tí đá viên mà thôi.
Có lần đi ăn, tôi vừa kêu ly trà đá, vừa không dám uống vì thấy ly cũ của khách trước được nhân viên ung dung đổ nước thừa rồi gom lại bỏ vào giỏ chứ không rửa sạch. Lúc đó, vừa ơn ớn, vừa bực tức vì phải trả tiền trà đá.
Chưa kể, quán nào không có một ít khăn giấy khô là tôi cũng không có ý định ghé. Họ đem ra khăn giấy ướt, cứ như cố tình ép khách phải chi thêm tiền. Tiền là một vấn đề, nhưng da tôi nhạy cảm, có lần xài loại giấy ướt nồng nặc mùi thơm (hóa chất?), da tôi đỏ ửng suốt mấy ngày liền.
Và đây, một dạng tận thu của các quán ăn nữa là thu tiền giữ xe của khách
Như tôi vừa mới đi ăn một quán bún bò, tô bún giá 45 nghìn, tốn thêm 5 nghìn trà đá vì hôm đó quên mang nước, quán không có nước suối và 5 nghìn tiền giữ xe. Dù xe tôi để ngay trước cửa quán. Khi tôi thắc mắc thì chủ quán bảo: "Thằng em họ trông xe hộ, ở đây hay mất xe lắm".
Nếu như quán không có mặt bằng rộng rãi, phải gửi xe ở bãi thì tốn kém tôi không nói làm gì. Đằng này, có những quán có bãi để xe hẳn hòi, nhưng khách vào ăn, ra lấy xe vẫn bị tính tiền. Tôi thấy như đang bị tận thu. Ăn quán bình dân, 30-40 nghìn đồng một suất, có phải ăn nhà hàng gì đâu mà bị thu hết phí này tới phí kia.
Xin chia sẻ thêm, tôi không phải keo kiệt, nhiều lúc đi ăn uống với bạn bè đều boa thêm 10-20 nghìn đồng cho các chú bảo vệ dắt xe - không phải tôi nhờ, mà họ bảo đó là nhiệm vụ của họ.
Còn những quán chăm chăm thu tiền của khách, tôi sẽ cạch mặt, không bao giờ đến nữa.
Lâm Cường