Cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine tăng nhiệt

11/09/2024
|
0 lượt xem
Phân Tích Thế Giới
Cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine tăng nhiệt

Washington Post ngày 17/8 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết phái đoàn Nga - Ukraine chuẩn bị tham gia các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian, để cùng nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga được cho là đã làm gián đoạn kế hoạch đàm phán.

Hai nguồn tin nói với Washington Post rằng các quan chức cấp cao Ukraine hoài nghi về thỏa thuận năng lượng với Nga ngay cả trước khi lực lượng của họ xâm nhập tỉnh Kursk. Họ cho rằng cơ hội đàm phán thành công chỉ ở mức tối đa 20% vì nghi ngờ sự chân thành của Nga. Một số quan chức khác hy vọng chiến dịch Kursk có thể là bước đầu tiên hướng tới thỏa thuận hòa bình toàn diện.

Tuy nhiên, một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bác thông tin nước này có kế hoạch đàm phán với Ukraine. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko ngày 24/8 cũng lên tiếng phủ nhận thông tin.

Thay vào đó, hai bên tăng cường bắn phá các cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau ngay trước mùa đông.

Trong cuộc tập kích mới nhất đêm 31/8, Ukraine phóng gần 160 máy bay không người lái (UAV) vào các nhà máy điện, cơ sở dầu khí Nga ở tỉnh Moskva và tỉnh Tver lân cận, cũng như ở tỉnh Bryansk giáp biên giới. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đánh chặn phần lớn số UAV này.

Ngày 28/8, Bộ tổng tham mưu Ukraine thông báo lực lượng đặc nhiệm và Tổng cục Tình báo Quân sự (GUR) đã tấn công các kho dầu ở khu vực Kirov, cách biên giới Nga - Ukraine hơn 1.400 km, và khu vực Rostov ở phía tây nam. Một kho vũ khí ở vùng Voronezh phía tây nam cũng bị tấn công.

Ảnh vệ tinh cho thấy khói lửa bốc lên từ kho dầu ở Astakhov, vùng Rostov ngày 28/8. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của quân đội Ukraine cho biết hỏa hoạn đã bùng phát tại Rostov và lực lượng cứu hỏa được điều động để tập tắt đám cháy, song không nói rõ vũ khí nào được sử dụng hoặc mức độ thiệt hại tại kho Kirov.

"Lực lượng quốc phòng đang tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp để làm suy yếu tiềm lực quân sự, kinh tế của Nga và ngăn cản hoạt động của quân Nga ở Ukraine", tuyên bố cho biết thêm.

Ukraine vài tháng qua tăng cường sử dụng phi đội UAV tự sát tầm xa để tập kích các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở năng lượng Nga rất khó để xác định thiệt hại. Cơ quan thống kê Nga Rosstat hồi tháng 5 cho biết sản lượng xăng dầu nước này đã giảm 20% so với tháng 12/2023. Tuy nhiên, chính phủ Nga từ đó ngừng công bố thêm số liệu.

Nga cũng đang tăng cường tập kích vào hạ tầng năng lượng Ukraine. Sáng 26/8, Nga phóng hơn 200 tên lửa, UAV các loại nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine, từ phía đông gần tiền tuyến cho đến gần biên giới phía tây với các nước Liên minh châu Âu (EU).

Lực lượng Nga ngày 29/8 tiếp tục không kích vào Ukraine với 74 UAV tự sát và 5 tên lửa. Tuyên bố của không quân Ukraine cho biết 60 UAV và hai tên lửa của Nga bị bắn hạ.

Kể từ tháng 3, các nhà máy điện của Ukraine liên tục bị Nga đưa vào tầm ngắm, khiến nhiều khu vực bị mất điện trong mùa hè này.

Tại một hội nghị ở Berlin, Đức hồi tháng 6, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã phá hủy 80% sản lượng nhiệt điện và hơn 30% sản lượng thủy điện của Ukraine.

Viện Kinh tế Kiev ước tính kể từ khi bắt đầu xung đột, các cuộc tấn công của Nga vào hạ tầng năng lượng Ukraine gây thiệt hại 16 tỷ USD và khiến nước này mất 40 tỷ USD doanh thu.

Mặc dù Ukraine đã tiến hành sửa chữa và khắc phục một số thiệt hại, loạt cuộc tập kích tuần trước tiếp tục làm hư hại nghiêm trọng lưới điện của Ukraine và gây mất điện diện rộng.

"Không dễ cải thiện tình hình, khi các cuộc tấn công mới có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", Andrian Prokip, chuyên gia năng lượng tại Viện Kennan ở Mỹ, nói.

Đợt tập kích lần này của Nga chủ yếu nhắm vào hạ tầng phân phối điện của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện khẩn cấp trên khắp đất nước, khiến Kiev và nhiều thành phố phải luân phiên cắt điện.

Tại Kiev, việc sử dụng điện bị hạn chế còn vài giờ mỗi ngày. Công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo cho biết tình trạng mất điện sẽ gia tăng vì các cuộc tập kích mới.

"Chúng tôi muốn các bạn biết rằng hệ thống năng lượng Ukraine đang được khôi phục sau 9 cuộc tấn công lớn của Nga, nhưng công suất vẫn bị thâm hụt. Xin hãy sử dụng điện tiết kiệm", công ty Ukrenergo thông báo.

Một tuyến phố ở Kiev không có đèn chiếu sáng vì cắt điện sau cuộc tập kích mới của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng ngày 28/8. Ảnh: AFP

Các cuộc tập kích của Nga làm dấy lên lo ngại về những tháng mùa đông sắp tới. "Mùa đông năm nay sẽ rất khó khăn, đó là điều chắc chắn", Nataliia Shapoval, người đứng đầu Viện Kinh tế Kiev, cảnh báo.

Georg Zachmann, nhà nghiên cứu cấp cao về năng lượng Ukraine tại Trung tâm Helmholtz ở Berlin, nói mức độ thiệt hại chính xác vẫn chưa thể thống kê và do đó khó có thể dự đoán nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung năng lượng trong mùa đông tới.

"Hiện tại, mỗi cơ sở đều rất quan trọng và mọi thiệt hại đều gây ra vấn đề. Nguồn cung điện sẽ thường xuyên khan hiếm", Zachmann nói, khi cho rằng Ukraine không còn nhiều dự trữ để đảm bảo cho mùa đông.

Tình trạng cắt điện thường xuyên trong mùa đông có thể gây ra loạt vấn đề. Các chung cư cao tầng sẽ không thể sử dụng thang máy, doanh nghiệp phải giảm hoạt động, kéo theo nguồn doanh thu giảm, thuế giảm gây thâm hụt ngân sách cho nhà nước.

"Có rất nhiều vấn đề lớn nhỏ xảy ra do mất điện", Shapoval cảnh báo.

Ukraine đang hối thúc đồng minh phương Tây dỡ bỏ hạn chế với vũ khí tầm xa mà họ viện trợ cho Kiev. Mục tiêu của Ukraine là tăng khả năng tập kích mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Nga, đặc biệt là khu vực Nga phát động không kích.

Lời kêu gọi của Ukraine đã nhận được một số ủng hộ từ phương Tây. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 29/8 ủng hộ dỡ hạn chế với vũ khí viện trợ khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kubela thăm Brussels.

"Vũ khí mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine phải được sử dụng triệt để và các hạn chế cần được dỡ bỏ để người Ukraine có thể nhắm mục tiêu những nơi Nga đang phát động tấn công họ. Nếu không, vũ khí sẽ vô tác dụng", ông Borrell nói.

Khói lửa bốc lên gần đường điện cao thế sau cuộc tập kích của Nga ở ngoại ô Kharkov, Ukraine ngày 22/3. Ảnh: Reuters

Bên cạnh kêu gọi dỡ bỏ hạn chế, ông Kubela cũng thúc đẩy đồng minh nhanh chóng cung cấp trang thiết bị đã cam kết, đặc biệt là hệ thống phòng không, khi Ukraine vừa trải qua một tuần bị tên lửa và UAV Nga tấn công.

"Kể từ tháng 4, khi chúng tôi kêu gọi chuyển giao thêm các hệ thống Patriot, đã có những bước tiến và cam kết được đưa ra, nhưng một lần nữa một số hệ thống Patriot được thông báo vẫn chưa chuyển giao", ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nói với đài truyền hình NOS ngày 29/8 rằng Ukraine được phép sử dụng vũ khí mà nước này cung cấp, gồm cả tiêm kích F-16, trên lãnh thổ Nga nhưng trong giới hạn của luật pháp quốc tế.

Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch và Na Uy cam kết cung cấp 80 chiếc F-16 cho Ukraine, song quá trình này sẽ kéo dài vài năm. Một số chiếc F-16 đầu tiên được chuyển giao có thể sẽ sử dụng để tăng cường phòng không, bắn hạ các mục tiêu trên không như tên lửa, thay vì tấn công lực lượng và tài sản quân sự Nga gần mặt trận.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu lưu ý rằng "vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc cho phép Ukraine tự vệ trên lãnh thổ Nga". Một số nước NATO kêu gọi dỡ tất cả hạn chế vũ khí trong cuộc họp tuần này, song không nhận được nhiều phản hồi, theo một nhà ngoại giao giấu tên.

"Mỹ với tư cách là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất vẫn nằm trong số các đồng minh thận trọng về vấn đề này", nhà ngoại giao nói.

Thùy Lâm (Theo Washington Post, Guardian, Kyiv Independent)

Tin liên quan
Tin Nổi bật