Yuki Watanabe từng làm việc 12 tiếng mỗi ngày ở công ty, song đó chỉ được xem là ngày làm việc ngắn ngủi. Ca làm việc từ 9h sáng tới 21h tối hiện chỉ được xem là mức tối thiểu.
"Tôi rời văn phòng muộn nhất lúc 23h đêm", Watanabe, cô gái 24 tuổi từng làm việc cho các công ty viễn thông và thanh toán điện tử lớn ở Nhật Bản, nói.
Công việc căng thẳng tới mức Watanable gặp một số vấn đề về sức khỏe như run chân và đau dạ dày. Cô biết mình phải nghỉ việc, nhưng điều đó không dễ dàng.
Xin nghỉ phép cũng đã đủ khó khăn với nhiều lao động Nhật Bản, chứ chưa nói tới việc nộp đơn xin thôi việc. Nghỉ việc có thể được xem là hành động vô cùng thiếu tôn trọng trong nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, nơi là người lao động thường gắn bó với công ty suốt nhiều thập kỷ và thậm chí là cả đời.
Trong một số trường hợp cực đoan nhất, quản lý có thể xé đơn xin việc hoặc đe dọa, quấy rối nhân viên để buộc họ phải ở lại.
"Tôi không muốn quản lý từ chối đơn xin nghỉ việc và bắt tôi làm việc nhiều hơn", cô giải thích về lý do không dám nộp đơn, dù không hài lòng với công việc.
Nhiều người lao động trên con phố ở Kasumigaseki, thành phố Tokyo vào giờ nghỉ trưa hồi tháng 4/2021. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, Watanabe đã tìm ra cách để kết thúc bế tắc. Cô tìm đến Momuri, công ty hỗ trợ thôi việc chuyên giúp người lao động rời bỏ công việc khiến họ mệt mỏi. Với giá bằng một bữa tối sang trọng, nhiều người lao động thuê chuyên gia giúp họ nghỉ việc mà không bị căng thẳng.
Dịch vụ hỗ trợ thôi việc xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19 và ngày càng nở rộ. Không có số liệu chính thức về số lượng công ty hỗ trợ thôi việc ở Nhật Bản, nhưng những người quản lý cho biết nhu cầu đang tăng đột biến.
Shiori Kawamata, giám đốc công ty Momuri, cho biết chỉ riêng trong năm qua, họ nhận được 11.000 yêu cầu hỗ trợ thôi việc từ khách hàng.
Tọa lạc tại Minato, một trong những khu phố sầm uất nhất ở Tokyo, công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2022 với cái tên gây chú ý. Momuri trong tiếng Nhật có nghĩa là "tôi không thể tiếp tục nữa".
Với chi phí khoảng 22.000 yen (khoảng 150 USD), công ty cam kết giúp người lao động nộp đơn xin thôi việc, đàm phán với công ty và giới thiệu luật sư nếu phát sinh tranh chấp pháp lý. Với những người làm việc bán thời gian, chi phí hỗ trợ là 12.000 yen.
"Một số người đến với chúng tôi sau khi đơn xin thôi việc của họ bị xé tới ba lần và ông chủ không cho họ nghỉ việc, ngay cả khi họ quỳ xuống đất", Kawamata nói. "Đôi khi chúng tôi nhận được cuộc gọi từ những người đang khóc lóc, hỏi rằng họ có thể xin nghỉ việc vì lý do XYZ gì đó không. Chúng tôi nói với họ rằng những lý do đó đều ổn và nghỉ việc là quyền của người lao động".
Một số lao động nói rằng ông chủ sẽ quấy rối bằng nhiều cách nếu họ xin nghỉ việc như tới nhà bấm chuông cửa liên tục và từ chối rời đi. Một người từng chia sẻ bị ông chủ công ty lôi đến đền Onmyoji ở Kyoto và nói rằng anh này "đã bị nguyền rủa".
Kawamata cho biết khách hàng tìm đến công ty thường làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó những người làm trong lĩnh vực thực phẩm dễ bị tổn thương nhất, tiếp theo là lĩnh vực y tế và phúc lợi.
Nhật Bản từ lâu có văn hóa làm việc quá sức. Người lao động trong nhiều lĩnh vực cho biết họ chịu đựng nhiều áp lực công việc, từ số giờ làm việc căng thẳng tới bị giám sát hay văn hóa phải tôn trọng công ty.
Hiroshi Ono, giáo sư về nhân lực tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hitotsubashi, cho biết tình hình trở nên cấp bách đến mức chính phủ cũng đã công bố "danh sách đen" các nhà tuyển dụng phi đạo đức và cảnh báo người tìm việc về những rủi ro khi làm việc với họ.
"Các công ty trong danh sách đen có nhiều vấn đề như điều kiện làm việc rất tệ, không an toàn với tâm lý của nhân viên và một số nhân viên thậm chí bị đe dọa", ông nói.
Các cơ quan quản lý lao động ở Nhật Bản từ năm 2017 đã liệt hơn 370 công ty vào danh sách đen dạng này.
Nhân viên trong nhà máy chế biến mực tại Sakata, tỉnh Yamagata, Nhật Bản hồi năm 2018. Ảnh: Reuters
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết đã có 54 người chết do các bệnh về não và tim mạch vì căng thẳng công việc gây ra trong năm 2022. Con số này đã giảm đáng kể so với mức 160 được ghi nhận cách đây hai thập kỷ. Những người nộp đơn yêu cầu bồi thường do căng thẳng tinh thần khi làm việc đã tăng lên 2.683 người từ mức 341 trong cùng thời kỳ.
Một phóng viên 31 tuổi của đài truyền hình quốc gia NHK qua đời năm 2017 do bị suy tim vì làm việc quá sức. Cô được cho là đã làm thêm 159 giờ trong tháng trước khi qua đời. Năm năm sau, một bác sĩ 26 tuổi ở bệnh viện tại Kobe tự tử sau khi làm thêm hơn 200 giờ một tháng.
Hisakazu Kato, giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji, cho biết nước này có luật bảo vệ người lao động và đảm bảo họ có thể tự do xin nghỉ việc. "Nhưng đôi khi môi trường làm việc khiến họ khó có thể nói ra điều đó", ông nói.
Giới quan sát cho rằng khi Nhật Bản gặp khó khăn vì tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm, các lao động trẻ hiện có tiếng nói hơn trên thị trường lao động so với các thế hệ trước. Nhiều người không còn theo quan điểm rằng phải trung thành suốt đời với công ty, mà sẽ nghỉ việc khi thấy không còn phù hợp.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ đủ can đảm gặp trực tiếp sếp và xin nghỉ việc, mà muốn làm điều đó thông qua bên thứ ba. Ono không khuyến khích cách xử lý này và dịch vụ hỗ trợ xin thôi việc.
"Tôi nghĩ người trẻ ngày nay ngại đối đầu hơn", giáo sư Ono nói.
Kawamata, giám đốc Momuri, phần nào đồng tình. "Chúng tôi thực sự nghĩ rằng dịch vụ hỗ trợ nghỉ việc của chúng tôi nên biến mất khỏi xã hội và chúng tôi hy vọng điều đó. Chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất là mọi người nên có thể tự nói với sếp. Tuy nhiên, khi nghe những câu chuyện kinh hoàng của khách hàng, tôi không nghĩ dịch vụ của chúng tôi sẽ sớm biến mất", bà nói.
Thùy Lâm (Theo CNN)