Riêng xe có tải trọng trên 13 tấn chưa được qua cầu Đuống.
Cục Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ biển báo cấm và biển chỉ dẫn trên cầu Long Biên và cầu Đuống. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục theo dõi mực nước để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đánh giá tình hình và đề xuất phương án điều chỉnh giao thông cho phù hợp.
Ba ngày trước, UBND TP Hà Nội cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên do nước sông Hồng lên báo động một 9,5 m (mức lũ cao nhất tại đây từ năm 2008). Sau đó vài giờ, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định cấm người và phương tiện đi qua cầu Đuống để đảm bảo an toàn.
Cầu Long Biên ngày 10/9. Ảnh: Giang Huy
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.
Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ Giao thông Vân tải bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.
Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu.
Cầu Đuống ngày 11/9. Ảnh: Lộc Chung
Cầu Đuống kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cầu này được người Pháp xây vào cuối thế kỷ 19, thông xe vào năm 1902, có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại.
Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau đó, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2, 4, chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.
Sơn Hà - Võ Hải