Đường Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng kết nối ba huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Công trình dài 41 km, 6 làn xe, có điểm đầu tại thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, kinh phí đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đi qua huyện Phú Giáo trước ngày thông xe. Ảnh: Phước Tuấn
Theo quy hoạch cung đường trên sẽ giao cắt với tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong tương lai. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, sau khi quyết định ngừng xây cầu Mã Đà (nối Bình Phước - Đồng Nai), Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất dùng đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng giúp Bình Phước kết nối sân bay Long Thành qua đường Vành đai 4.
Vị trí đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đồ họa: Khánh Hoàng
Cũng trong sáng nay, cầu Bạch Đằng 2 nối TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cũng được thông xe sau gần 3 năm thi công. Đây là cây cầu thứ ba kết nối hai tỉnh sau cầu Đồng Nai và cầu Thủ Biên.
Cầu dài 410 m, rộng 17 m, 4 làn xe, cùng với hai đường dẫn tổng chiều dài hơn 2,8 km, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Xe qua cầu Bạch Đằng sau lễ khánh thành sáng nay. Ảnh: Phước Tuấn
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết việc đưa vào sử dụng cầu Bạch Đằng 2 sẽ tạo điều kiện phát triển giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương. Công trình cũng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng trong khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Ngoài cầu Thủ Biên và Bạch Đằng 2, thời gian tới hai tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng thêm 4 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai", ông Đức nói.
Phước Tuấn